Breaking News

[Tản mạn] Không có mỹ phẩm thần kì, chỉ có cái đầu tỉnh táo

Nguồn: deviantart
Trước hết là mình xin phép được sử dụng 100% hình ảnh lấy trên mạng cho bài viết này, một phần là vì tay máy mình chụp còn non, chưa đủ đẹp để chụp ảnh cho bài này, thứ nữa là vì mình... lười :P
Việc viết blog review mỹ phẩm giúp mình quen được nhiều bạn có cùng sở thích, đồng thời phần nào vẽ được một bức chân dung trong đầu về người dùng mỹ phẩm tại Việt Nam điển hình: cởi mở tiếp nhận cái mới, nhưng quyết định quá nhanh và ít suy nghĩ phản biện. Càng tiếp xúc nhiều, mình càng nhận thấy một vấn đề mà rất nhiều bạn (và nhiều khi cả mình) mắc phải: Đặt kì vọng quá cao vào một sản phẩm, coi nó là "vị cứu tinh" cho vấn đề của mình, và nhanh chóng thất vọng khi thực sự sử dụng nó. Nhiều khi còn hài hước ở chỗ, tuy chính hãng sản xuất cũng không đề cập tới công dụng đó, nhưng do người dùng truyền tai nhau một công dụng "bất ngờ" nên ai mua cũng chỉ vì chăm chăm hy vọng vào cái công dụng đính kèm đó mà thôi. Tuy nhiên ở đây mình sẽ không tốn thời gian mổ xẻ vào vấn đề này, mà chỉ muốn mượn cái cớ viết bài cuối cùng của năm 2014 để đưa lại một cách nhìn không mới nhưng dù vô tình hay cố ý, đã bị lãng quên: mỹ phẩm không phải cây đũa thần trong truyện cổ biến bạn thành một con người hoàn toàn mới, nó chỉ là công cụ giúp bạn thay đổi theo cách bạn muốn mà thôi. Dùng cái gì, dùng như thế nào là QUYỀN của bạn!

Hãy đối diện với thực tế: không có cái gì là hoàn hảo. Vậy nên khái niệm "mỹ phẩm thần kì" cũng tương tự khái niệm "động cơ vĩnh cửu": rất hoàn hảo, rất đáng ước ao nhưng lại không tưởng. Vì sao?



Quy luật bù trừ: Được cái này, mất cái kia

Nguồn: makeup4all
Ông bà ta có câu: "Tiền nào của nấy". Trong thế giới mỹ phẩm, tuy không phải lúc nào của rẻ cũng là của ôi nhưng câu đúc kết trên vẫn rất đúng với phần lớn trường hợp. Một sản phẩm với chất lượng vượt trội, thành phần xuất sắc và bao bì đẹp mắt khó lòng có thể có giá thành phải chăng nếu không "hy sinh" một yếu tố nào đó. Một sản phẩm được quảng cáo là đa công dụng thì không thể cân bằng được độ hiệu quả của từng công dụng tốt ngang nhau. Hay phổ biến nhất, một sản phẩm được quảng cáo rầm rĩ là có công dụng nào đó vượt trội thì chắc chắn một yếu tố khác sẽ bị lép vế (chẳng hạn như hình trên, son dạng stain lên màu chuẩn, bám màu cực ác thì tất nhiên không thể tránh làm môi bị khô). Hoặc thậm chí tệ hơn, một thành phần có thể làm được mọi thứ cho da bạn trừ... đảm bảo sức khỏe của bạn. Tất nhiên sẽ có nhiều bạn vỗ ngực: "Chuyện đó ai mà chả biết!". Nhưng hãy thử nhìn quanh mà xem, liệu hàng ngày bạn lên facebook, vào các hội nhóm, có đôi lúc nhìn thấy ai đó quảng cáo loại kem trộn có khả năng "làm trắng da, trị mụn, không gây bắt nắng, trị nám, trị thâm, vân vân và mây mây" và ùn ùn người vào hỏi giá không? Ơ kìa, đó chẳng phải là lời mô tả một loại kem dưỡng da "thần kì" đó sao? :) Nói như vậy để bạn hiểu rằng, đấy, thực tế đấy, ai cũng biết là ở đời chẳng có gì là hoàn hảo mà cuối cùng nhiều người vẫn bị mờ mắt trước những lời quảng cáo.
Ừ mà cứ cho là công nghệ tân tiến, rồi người ta sẽ tiếp tục tìm ra hoặc sáng chế ra các thành phần lành tính, tốt cho da và giá thành rẻ, nhưng mình đảm bảo với bạn là dù có khả năng, các hãng mỹ phẩm cũng không bao giờ sản xuất ra một sản phẩm hoàn hảo đâu. Đó là bởi vì...


...Chẳng ai muốn chặn đường sống của chính mình cả

Nguồn: gossipdrip
Hoàn hảo tức là đã đứng ở trên đỉnh cao nhất, cũng có nghĩa là từ giây phút đó trở đi, bạn sẽ... lao xuống dốc. Một sản phẩm ưu việt và toàn mỹ ở mọi mặt đến mức không thể cải tiến được nữa, sẽ đặt dấu chấm hết cho hãng mỹ phẩm, vì họ biết vin vào đâu mà cải tiến và cho ra các sản phẩm mới nâng cấp hơn? Các hãng mỹ phẩm khác cũng không có gì để vượt trội hơn và ganh đua nhau. Có cạnh tranh mới có phát triển, cái này ai học Triết dốt nhất cũng biết. Thế nên đương nhiên họ phải chừa cho mình một đường lui. Cứ nhìn các dòng BB cream, CC cream, DD cream, EE cream và có-giời-mới-biết-sẽ-tiến-xa-tới-đâu-trong-bảng-chữ-cái-cream thì biết. Ngày đầu tiên BB cream ra đời, người ta tưởng như đã tìm ra chân lý trong giới mỹ phẩm về loại kem nền thật như da, da như phấn lại còn có SPF bảo vệ da. Ấy thế mà vẫn lòi ra cái nhược điểm to đùng đùng là nhanh xuống màu và ít tông, để lại có cớ cho CC cream ra mắt. Thực ra ngành công nghiệp mỹ phẩm là một cỗ máy vẫn luôn hoạt động theo quy tắc như vậy, có điều so với thế giới, chúng ta vẫn còn quá non nớt trong việc tiêu dùng mỹ phẩm nên việc này cũng ít được mọi người để ý.


Mỗi người là một cá thể duy nhất

Nguồn: Estée Lauder
Việc tồn tại một sản phẩm hoàn hảo đã khó, một sản phẩm hoàn hảo phù hợp với tất cả mọi người lại càng khó hơn. Khi chạy theo các trào lưu mỹ phẩm trên thị trường, dường như vấn đề cơ địa ít nhận được sự quan tâm xứng đáng. 20 người dùng trước bạn nhận được hiệu quả tuyệt vời từ một sản phẩm không có nghĩa là bạn chắc chắn không thể có trải nghiệm khủng khiếp với nó. Chưa kể liệu tất cả 20 người dùng trước có thực sự trung thực? Ngoài ra, nhiều người dường như quá vội vã khi mua sắm theo số đông mà quên mất việc xem xét sở thích và nhu cầu thực sự của bản thân. Màu son hồng cánh sen đó liệu có hợp gu của bạn (đặt giả thiết là bạn vốn không ưa màu này nhưng vô tình nhìn thấy một bạn gái đánh màu này quá đẹp khiến bạn nảy sinh ý tưởng mua nó)? Màu má kia liệu có tôn da bạn không? Bạn có thực sự cần công dụng làm trắng của loại kem nọ? Đừng quên, BẠN là người dùng mỹ phẩm, chứ không phải mỹ phẩm dùng bạn!


Vì sao chúng ta cứ mãi u mê?
Trả lời được câu hỏi này cũng tức là bạn sẽ tìm ra giải pháp cho chính mình. Theo bản thân mình nhìn nhận, những lý do khiến chúng ta khó lòng tỉnh táo khi chọn mua mỹ phẩm bao gồm:

- Lời quảng cáo từ nhà sản xuất
Đây là chuyện đương nhiên, muốn bán được hàng tất nhiên các hãng sẽ không tiếc lời có cánh dành cho sản phẩm của họ, dù công dụng chẳng rõ ràng lắm cũng sẽ được họ liệt kê vào danh sách "điều thần kì" mà sản phẩm đó có thể làm được. Mà một khi dân quảng cáo chuyên nghiệp đã ra tay thì ví tiền chúng ta bị một phen chao đảo cũng là lẽ dễ hiểu.

- Tư vấn của người bán
Người bán có thể có nhiều kinh nghiệm chọn mỹ phẩm hơn bạn, có thể không (ở VN có nhiều người bán chả biết gì về mỹ phẩm nhưng cứ thấy cái gì hot là nhập cái đó bán), nhưng họ sẽ là người tác động trực tiếp vào bạn giây phút mà bạn rút ví ra mua đồ. Chỉ cần thần kinh yếu, dễ bị lấn át một chút, rất có thể bạn sẽ bước ra khỏi cửa hàng với một sản phẩm hoàn toàn khác với dự định ban đầu hoặc thậm chí còn chưa từng có ý định mua trước đó.

- Mách nước của bạn bè
Đây chính là kênh phổ biến nhất và hiệu quả nhất trong việc dụ dỗ bạn mua mỹ phẩm. Có thể là mua giống nhau cho có đôi có cặp, có thể là kém miếng khó chịu ("Nó có chả lẽ mình không có", "Da nó đẹp thế chả lẽ mình lại xấu hơn"), nhưng nói chung khả năng rất lớn là bạn sẽ dính bẫy ở cửa ải này.

- Feedback và review
Ở đây mình chia ra feedback là đến từ người tiêu dùng phổ thông và review đến từ các blogger. Tình trạng feedback ảo hiện nay như thế nào chắc mình cũng không cần nhắc lại, còn tại sao lại là blogger? Nếu không nói đến những blogger mờ ám được trả tiền để viết review tốt về sản phẩm, những blogger chân chính nhiều khi cũng định hướng cách nhìn của bạn về sản phẩm một cách sai lệch đến từ 2 lý do phổ biến: bản thân blogger đeo lăng kính màu hồng để nhìn thế giới và cảm tình của họ đối với hãng mỹ phẩm kia. Tất nhiên mình không đánh đồng bởi chính mình cũng là một blogger, nhưng nếu là một người đọc tinh ý, chắc chắn bạn sẽ nhận ra điều này trong quá trình lặn ngụp các blog làm đẹp.

- Sự tuyệt vọng của chính bạn
Việc bạn quá đau khổ về một vấn đề nhan sắc nào đó (mụn, đen, thâm,...) khiến bạn dễ nhìn các sản phẩm có tiềm năng giải quyết vấn đề đó như một vị cứu tinh. Vậy nên một khi sản phẩm đó không đáp ứng được hoặc không đáp ứng đủ kì vọng của bạn, mức độ hụt hẫng cũng tăng lên và tỉ lệ thuận với giá tiền.


Kết luận
Viết một bài lan man như vậy, thực ra cũng là để mình tự nhắc nhở bản thân rằng hãy giữ một cái đầu lạnh để có thể nhìn nhận một sản phẩm theo đúng giá trị của nó chứ không phải giá trị của ai khác vẽ ra, kể cả chính mình. Như vậy, bạn sẽ thực tế hơn và bao dung hơn, đồng thời cũng ít gặp cảnh "trèo cao ngã đau" hơn trong hành trình tiêu dùng mỹ phẩm. Để làm được điều đó, cần nhớ kĩ một vài nguyên tắc đơn giản, trong đó cơ địa, nhu cầu và sở thích của bạn (có thể ghi sẵn vào 1 file word để khi cần thì lôi ra đọc lại) luôn ở vị trí trung tâm và được lấy làm trục tham chiếu:
- Luôn suy nghĩ phản biện trước những lời quảng cáo, dựa trên những nguyên tắc mình đã trình bày ở trên
- Tư vấn của người bán chỉ mang tính chất tham khảo, nhu cầu của bản thân mới là quan trọng. Một khi tự chịu trách nhiệm với quyết định mua sắm của mình, bạn sẽ ít hối hận hơn vì "đã lỡ nghe lời người khác".
- So sánh tình trạng da và nhu cầu của bản thân với bạn bè một cách kĩ lưỡng trước khi mua theo bạn (nếu cần có thể lập sẵn 1 bảng so sánh để khi cần thì điền vào).
- Chọn đọc review từ nguồn tin tưởng và không quá lệ thuộc vào nó, chuẩn bị trước tinh thần sản phẩm có thể khác hoàn toàn với những gì được mô tả.
- Sau khi đã đọc các review, tổng kết các ưu và nhược điểm của sản phẩm cần mua, cân nhắc xem các ưu điểm có phù hợp với nhu cầu của bạn không, các nhược điểm có thể chấp nhận và khắc phục được không. Nếu đáp ứng đủ, lúc này bạn có thể rút ví.


Hy vọng sang năm mới, không chỉ diện mạo mà cách nhìn thế giới mỹ phẩm của chúng ta sẽ thay đổi! :)


Chào thân ái 2014 và quyết thắng 2015!



DisclaimerTất cả các ý kiến trên đây đều là của mình, CỦA MÌNH tự viết nhé! Vì thế nó sẽ phụ thuộc vào tình trạng da của mình trong thời điểm đó, và hoàn toàn trung thực, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ "thế lực đen tối" nào hết :P Bạn chỉ nên cho nó là tư liệu tham khảo thôi, tuyệt đối đừng cho rằng blog này là kim chỉ nam trong việc chọn mua mỹ phẩm. Be smart my girl (boy)! ;) Và cũng đừng ai copy nội dung blog mình (kể cả đã chỉnh sửa) để đem ra ngoài mà không được sự cho phép của mình nhé, vì blog này không phục vụ lợi ích cho bất kì ai ngoại trừ sự thỏa mãn của chính mình!
Nếu muốn sử dụng nội dung của mình hoặc cần liên hệ, email cho mình qua địa chỉ: karedlipstick@gmail.com

Bài đăng phổ biến