Breaking News

10 hiểu lầm về người hướng nội và sự thật


Chào mọi người, hôm nay chúng ta sẽ đổi gió một chút với chủ đề tâm lý nhé :)
Mình là sinh viên khoa Tâm lý học nên hay đọc các bài báo nước ngoài về chủ đề tâm lý học thường thức. Hôm nay mình chợt nghĩ sao không dịch các bài báo hay được nhiều người quan tâm tìm hiểu cho mọi người cùng đọc nhỉ?
Bài báo này được lấy nguồn từ trang web carlkingdom.com . Tuy nhiên, mình là người dịch nên nếu có ai muốn "bê" bản dịch này đi đâu thì xin phép mình 1 câu và để cho mình 1 cái đường dẫn về blog này nhé :)
Bắt đầu thôi nào!



Theo Carl Jung, người hướng nội là người có mối quan tâm lớn nhất đến các cảm nhận và suy nghĩ của mình, ngược lại với người hướng ngoại quan tâm đến mọi người và thế giới xung quanh. Một người hướng nội điển hình là người rụt rè, thích suy tư, khá dè dặt và cảm thấy khó khăn khi phải thích nghi với các hoàn cảnh xã hội. Mơ mộng quá mức cộng với hay trầm tư mặc tưởng, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và dễ "trốn chạy" khi gặp stress là tính cách nổi bật của người hướng nội. (Nguồn: http://global.britannica.com)

Hiểu lầm #1: Người hướng nội không thích nói chuyện
Sai toét. Người hướng nội không thích mở mồm trừ khi đó là chủ đề họ có thứ để nói. Họ ghét những mẩu chuyện tào lao nhỏ nhặt hay mấy câu xã giao không cần thiết. Chỉ cần bạn khơi ra một chủ đề mà người hướng nội thích thú, họ sẽ "bật đài" cả ngày không hết chuyện.

Hiểu lầm #2: Người hướng nội rất hay xấu hổ
Sự ngượng ngùng chả liên quan gì đến người hướng nội. Người hướng nội không nhất thiết phải sợ sệt người khác. Thực ra họ chỉ cần một lý do để tương tác với bạn, bởi họ sẽ không tiếp xúc với bạn nếu không cần thiết. Nếu muốn nói chuyện với họ, chỉ cần bạn mở lời, đừng lo lắng rằng việc này sẽ làm họ nghĩ bạn bất lịch sự.

Hiểu lầm #3: Người hướng nội rất thô lỗ
Người hướng nội thấy rằng không có lý do gì để vòng vo để làm vừa lòng người khác. Họ muốn mọi người thành thật với nhau. Đáng buồn là điều này lại không được hoan nghênh trong hầu hết hoàn cảnh xã hội, vì vậy người hướng nội thấy thật khó để hòa nhập, điều này làm họ cảm thấy thực sự mệt mỏi.


Hiểu lầm #4: Người hướng nội không thích con người
Trái lại thì đúng hơn, người hướng nội rất trân trọng những người bạn thân mà họ có được (tất nhiên số bạn này cũng chỉ ít thôi). Họ chỉ có thể đếm số bạn của mình trên đầu ngón tay. Nếu bạn may mắn trở thành bạn thân của một người hướng nội, hãy yên tâm là bạn đã có một chiến hữu kề vai sát cánh bên bạn cho đến hơi thở cuối cùng. Một khi bạn nhận được sự tôn trọng từ phía họ, bạn đã về với đội của họ rồi đấy :)

Hiểu lầm #5: Người hướng nội không thích chốn đông người
Nhầm nhọt rồi, họ chỉ không thích ở nơi đông người QUÁ LÂU mà thôi. Họ muốn tránh những chuyện phiền phức trong các hoạt động tập thể. Họ thu nhận thông tin và các trải nghiệm rất nhanh chóng, vì vậy không cần phải nấn ná lại để tiếp tục tiếp nhận. Họ chỉ muốn mau chóng về nhà, "sạc" lại năng lượng và làm những việc cần thiết. Trên thực tế, nạp lại năng lượng là việc rất quan trọng đối với người hướng nội.


Hiểu lầm #6: Người hướng nội chỉ thích ở một mình
Người hướng nội cảm thấy thoải mái khi chìm đắm trong những suy nghĩ của mình. Họ nghĩ rất nhiều. Họ mơ giữa ban ngày. Họ thích những vần đề cần làm sáng tỏ, những câu đố cần lời giải đáp. Nhưng mặt khác họ cũng rất cô đơn khi không có ai để sẻ chia những khám phá ấy cùng với họ. Họ thèm được nói chuyện với ai đó thật chân thành và cởi mở, nhưng mỗi lần như vậy chỉ cần MỘT NGƯỜI mà thôi.

Hiểu lầm #7: Người hướng nội rất kì quặc
Người hướng nội thích làm việc độc lập. Họ không tuân theo số đông. Họ muốn được trân trọng vì cách sống lạ lùng của mình. Họ nghe theo bản thân mình và vì vậy họ thường thách thức các quy chuẩn thông thường. Họ không quyết định dựa trên cái gì phổ biến hay đang là xu hướng.

Hiểu lầm #8: Người hướng nội là những con mọt sách chính hiệu
Người hướng nội là người ưu tiên nhìn vào những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, nhưng không có nghĩa là họ không có khả năng chú ý tới những gì đang diễn ra xung quanh mình, chỉ là thế giới nội tâm của họ quá hấp dẫn và kích thích đối với họ mà thôi.

Hiểu lầm #9: Người hướng nội không biết cách thư giãn và giải trí
Người hướng nội điển hình thích được xả hơi tại gia hoặc giữa thiên nhiên chứ không phải ở nơi đông người. Họ không phải người ưa cảm giác mạnh hay những con nghiện chất adrenaline (chất này tiết ra khi con người hoảng sợ, gây kích thích cao độ). Nếu có quá nhiều tiếng ồn, họ sẽ "tắt đài" ngay lập tức. Não họ rất nhạy cảm với một chất dẫn truyền thần kinh tên là Dopamine. Hãy nhớ rằng, người hướng nội và hướng ngoại có sự khác biệt về đường dẫn truyền thần kinh ưu thế.

Hiều lầm #10: Người hướng nội có thể tự chuyển hóa thành người hướng ngoại
Người hướng nội không thể "tự chữa cho mình" và họ cần sự tôn trọng khí chất bẩm sinh cũng như những đóng góp cho nhân loại của mình. Một nghiên cứu của Silverman năm 1986 đã chỉ ra rằng chỉ số IQ càng cao thì tỉ lệ người hướng nội càng lớn.



Bạn là người hướng nội, hướng ngoại hay cân bằng giữa cả hai? Comment ở dưới nhé! ;)

Chào thân ái và quyết thắng!

Nguồn: Carlkingdom
Người dịch: The Kick-Ass Red Lipstick
Ảnh: Google Images



DisclaimerTất cả các ý kiến trên đây đều là của mình, CỦA MÌNH tự viết nhé! Vì thế nó sẽ phụ thuộc vào tình trạng da của mình trong thời điểm đó, và hoàn toàn trung thực, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ "thế lực đen tối" nào hết :P Bạn chỉ nên cho nó là tư liệu tham khảo thôi, tuyệt đối đừng cho rằng blog này là kim chỉ nam trong việc chọn mua mỹ phẩm. Be smart my girl (boy)! ;) Và cũng đừng ai copy nội dung blog mình (kể cả đã chỉnh sửa) để đem ra ngoài mà không được sự cho phép của mình nhé, vì blog này không phục vụ lợi ích cho bất kì ai ngoại trừ sự thỏa mãn của chính mình!
Nếu muốn sử dụng nội dung của mình hoặc cần liên hệ, email cho mình qua địa chỉ: karedlipstick@gmail.com

Bài đăng phổ biến